Bình ổn thị trường phân bón: Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân

Từ đầu năm, khi giá phân bón tăng, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo, điều hành góp phần bình ổn thị trường. Các giải pháp được thực hiện với tinh thần chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Dù rằng, theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý mặt hàng này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đi tìm nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao

Tại Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón diễn mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) nêu rõ, từ tháng 7/2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao, có sản phẩm tăng tới trên 80%. Nguyên nhân là do nhu cầu và chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển; giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều ở mức cao.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) – trích dẫn số liệu của Progressive Farmer và Farm Business. Theo đó, giá một số loại phân bón tháng 7/2021 so với tháng 12/2020, như phân bón 2 thành phần NP 10-34 tăng 36%; kali (MOP) tăng 54%; urea đạm tăng 56%; DAP tăng 69%; MAP tăng 75%. Nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào như amoniac, lưu huỳnh tăng 60-70%, giá container tăng từ 2-3 lần. Theo thống kê của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thuộc Liên hợp quốc), giá ammonia trung bình cuối năm 2020 là 487 USD, tháng 7/2021 đã là 746 USD/tấn tăng 259 USD/tấn, 53%.

Bình ổn thị trường phân bón: Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một chuyên gia cho rằng, thực trạng giá phân bón trên có thể khẳng định rõ nét hơn về tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến logistics, cước phí vận chuyển cao và nhiều hệ lụy khác. Chuyện “đội” giá thành mặt hàng phân bón cũng không ngoại lệ so với nhiều mặt hàng khác. Do đó, giá đầu vào phân bón tăng là vấn đề rất cần quan tâm, nhưng mặt khác cũng nên có sự nhìn nhận bình tĩnh, khách quan như một tính chất tất yếu của thị trường.

Bộ Công Thương vào cuộc kịp thời

Nhằm góp phần ổn định thị trường phân bón, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã có các văn bản số 1321/BCT-HC ngày 11/3/2021; số 4015/BCT-HC ngày 7/7/2021; số 4084/BCT-HC ngày 9/7/2021 đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho; kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón.

Bộ Công Thương liên tục cử đại diện các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa.

Tiếp đó, ngày 12/7/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 404/BCT-HC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến để Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sản xuất phân bón đôn đốc các doanh nghiệp này tăng cường sản xuất, tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường với giá cả hợp lý; ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón trong nước.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón, tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá…

Có thể nói trong việc thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương, các DN sản xuất phân bón đã triển khai rất tốt. Hiện, đa số các nhà máy phân bón đã chạy hết công suất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp không xuất khẩu phân bón trực tiếp.

Để ổn định thị trường phân bón trong nước trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, trong đó đề xuất các giải pháp để các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Với những thực tế chỉ đạo điều hành trên của Bộ Công Thương cho thấy sự nỗ lực, chủ động chung tay tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, dù theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý mặt hàng này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP, khoản 2, điều 42 minh định rất rõ: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón”. Nghĩa là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hầu hết các hoạt động về phân bón: Đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Chức năng của Bộ Công Thương được quy định tại khoản 3, điều 42 của Nghị định như sau: “Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách đối với sản xuất phân bón vô cơ; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn”.

Công tác quản lý phân bón được thực hiện theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018, và Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về quản lý phân bón của Luật Trồng trọt. Theo quy định tại Luật Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt trong phạm vi cả nước, trong đó có hoạt động phân bón. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt.

Đáng chú ý, Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định Bộ NN& PTNT là cơ quan đầu mối thực hiện trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động về phân bón từ việc lập chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển phân bón; quản lý đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón; cho đến thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý phân bón.

Như vậy, từ những thông tin vừa được nêu, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng có thể hình dung rõ ràng, tách bạch về vai trò quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với mặt hàng phân bón. Tư duy mặc định theo hướng “trăm dâu đổ đầu tằm” trước một vấn đề nảy sinh như giá phân bón vừa qua rất cần được thay đổi. Vì nói cho cùng, mục tiêu của Chính phủ là công tác quản lý được phân công theo từng lĩnh vực, nhưng đều hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, làm động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngọc Anh/ Báo Công Thương điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(0238)3 877 173